Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 57
  • Trong tuần: 3057
  • Tất cả: 335310
Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Sẽ cải tiến ra sao?
TP - Thời điểm tổ chức một kỳ thi khi nào hợp lý, đề thi có cần phải điều chỉnh không, khắc phục hạn chế của kỳ thi trước ra sao… Đó những vấn đề được lãnh đạo các Sở GD&ĐT nêu lên tại Hội nghị trực tuyến kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT tổ chức tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) ngày 16/12.

Thí sinh trao đổi sau khi thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thí sinh trao đổi sau khi thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tại hội nghị, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất vấn đề địa bàn giáp ranh các cụm thi để thí sinh di chuyển thuận tiện hơn. “Xin phép Bộ cho các địa bàn giáp ranh đảm bảo 1 cụm có từ 2 tỉnh trở lên” - bà Thắm đề xuất.

Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm 2016, thí sinh vùng giáp ranh sẽ được dự thi tại các cụm thi linh hoạt hơn và có xem xét từng trường hợp cụ thể. Liên quan đến hai cụm thi, các Sở GD&ĐT đều mong muốn năm tới Bộ GD&ĐT giữ ổn định như năm 2015. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho rằng kỳ thi 2016 cơ bản như năm 2015 để tránh những thay đổi quá lớn. Tuy nhiên việc tổ chức thi liên tỉnh, nếu vẫn tổ chức hai loại cụm thi nhưng cụm thi do các trường ĐH chủ trì nên xác định lại nơi tổ chức.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM lại cho rằng ở các địa phương thuận lợi, ít khó khăn thì nên để 1 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, chỉ tổ chức 2 cụm thi tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đi lại.

Nên bỏ phần tự luận trong đề thi ngoại ngữ

Liên quan đến đề thi, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất đề thi cần có sự phân hóa rõ hơn. “Năm 2015, phổ điểm rất đẹp nhưng lại khó cho thí sinh và các trường ĐH trong tuyển sinh” – bà Hằng cho biết thêm.

Mặt khác, theo bà Hằng, đề thi ngoại ngữ nên bỏ phần thi tự luận. Còn đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh thì đề xuất nên tính theo thang điểm 20 để các trường ĐH dễ tuyển sinh. Vị đại diện này cũng đề xuất nên thi tốt nghiệp 3 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ (hoặc môn thay thế).

“Để thi tốt nghiệp, trước kia, sợ học sinh học lệch, không học nên chúng ta chọn 4 môn thi. Nhưng nói thật thi 4 môn chắc gì học sinh đã không học lệch nên tôi đề nghị chỉ thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ để tốt nghiệp. Như thế, cụm thi địa phương sẽ rất gọn nhẹ. Chúng ta sẽ sắp xếp cụm thi địa phương xong sớm, chỉ 2 ngày là xong. Chúng ta đã cho tính điểm học lớp 12 vào xét tốt nghiệp thì không sợ học sinh học lệch” – vị đại diện của Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cũng cho rằng đề thi “2 trong 1” nên có hai đối tượng dự thi. Cả hai phần trong đề đều có điểm tuyệt đối riêng nếu cứ chấm chung cả hai phần như vừa qua và 60% là kiến thức cơ bản thì mức điểm của những học sinh có học lực trung bình, chưa làm bài đã mất 40% điểm vì phần nâng cao thì các em này sẽ không làm được. “Tôi cũng đề nghị đề thi nếu có mở thế nào thì cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để đảm bảo việc dạy gì thi nấy, đảm bảo quyền lợi của học sinh” – bà Giang đề nghị thêm.

Thi sớm hơn?

Tại hội nghị, đại diện các Sở đều cho rằng giữ nguyên kỳ thi trong 4 ngày như năm 2015 là hợp lý. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho rằng nên tổ chức thi trong 2 ngày cho gọn nhẹ. Trong đó, 3 buổi thi 3 môn bắt buộc, buổi thứ 4 thi môn tự chọn. Cũng liên quan đến thời gian thi, các sở đề xuất Bộ nên tổ chức kỳ thi sớm hơn vì liên quan đến lịch thi vào lớp 10 của một số địa phương. Riêng TPHCM đề xuất thi vào đầu tháng 8 hoặc giữa tháng 8 năm 2016. Vì thi như năm 2015, giáo viên THPT bị rút ngắn thời gian nghỉ hè.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng các sở muốn vào tháng 6 nhưng vì kỳ thi còn có sự phối hợp với các trường ĐH nên cần hỏi ý kiến các trường ĐH. Vì các trường ĐH cũng có những công việc riêng cần thu xếp. Vì vậy cần phải cân nhắc để quyết định phù hợp. Về bỏ phần tự luận trong môn Ngoại ngữ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang hướng đến việc dạy Ngoại ngữ theo hướng rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên hai năm qua trong đề thi có phần thi tự luận. Phần thi này dễ, không khó, nhưng là bước đầu để tiếp tục triển khai theo hướng trên.

Trước đề xuất của Sở GD&ĐT Bắc Ninh thi tốt nghiệp đơn giản hơn, thi 4 môn, trong 2 ngày là xong, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng vấn đề này không mới, nhưng tính tự chọn sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, về tính phân hóa của đề thi, thứ trưởng Hiển cho biết các trường ĐH không có ý kiến. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp từ phía các sở GD&ĐT, các trường và dư luận để hoàn thiện phương án tổ chức một kỳ thi THPT 2016 tới.
 PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT duy trì hai cụm thi là chưa giải quyết được những vấn đề sai sót, băn khoăn của kỳ thi trước. “Một trong những sai sót đó là tổ chức thi theo cụm vì năm trước, thí sinh thi ở cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp nhưng cuối cùng vẫn dùng điểm đó để đăng ký xét tuyển đại học, điều này sẽ không đảm bảo công bằng cho các thí sinh ở hai cụm thi khác nhau”, ông Cương nói. Theo ông Cương, Bộ GD&ĐT cần phải nghiên cứu để thay đổi hướng ra đề thi vì kỳ thi chung năm trước, mục đích đề thi nhằm kiểm tra năng lực của học sinh không đạt được. 
      

Theo Nguyễn Hà tienphong.vn

Lên d?u trang